Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội - Thành viên của tổ chức giáo dục EQuest

Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ: 'Lợi ích quốc gia là trên hết'

14/09/2023
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch tổ chức giáo dục EQuest, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ngoại giao, trải lòng cùng VietnamFinance về quan hệ hợp tác Việt – Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

- Từng làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng như tham gia nhiều hoạt động quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, ông ấn tượng nhất điều gì trong nhiệm kỳ tại Mỹ và quan hệ giữa hai nước từ đó đến nay?

Ông Bạch Ngọc Chiến: Trong thời gian làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, tôi vinh dự được chứng kiến hai sự kiện lịch sử: đó là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phạm Văn Trà tháng 11/2003 và chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải tháng 6/2005. Hình ảnh các tướng lĩnh Việt Nam mặc lễ phục đứng cạnh các tướng lĩnh của Mỹ gây ấn tượng rất mạnh. Còn khi đón máy bay của Thủ tướng Phan Văn Khải tại sân bay quân sự Andrew, nhiều người trong Sứ quán ta chảy nước mắt vì được chứng kiến một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.

Kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995, phải mất 10 năm mới có chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Mỹ và 18 năm để hai nước nâng tầm quan hệ lên mức đối tác toàn diện và 28 năm để thành đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, tôi cho rằng về thực chất mức độ quan hệ như đối tác chiến lược đã tồn tại từ nhiều năm qua và được chính thức hoá trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam ngày 10-11/9/2023.

 

- Hai nước đã chính thức nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, cá nhân ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Khi Chủ tịch Trương Tấn Sang đi sang Mỹ năm 2013 thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, nhiều chính trị gia và nhà quan sát quốc tế đã nhận định rằng về hình thức là “toàn diện” còn nội hàm và thực chất thì có khi còn trên cả mức “đối tác chiến lược”. Sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực suốt 10 năm qua đã chứng minh điều đó. Việc nâng cấp quan hệ vừa qua theo tôi là đưa cái danh nghĩa tương xứng với thực chất và là một hành động rất đúng lúc, phù hợp với các diễn biến của địa chính trị và địa kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Lợi ích đầu tiên mà Việt Nam cần nhất liên quan đến an ninh và quốc phòng, chẳng hạn trong vấn đề vũ khí. Đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí, có cơ hội mua được các vũ khí, khí tài hiện đại, tiếp cận công nghệ hiện đại có thể ứng dụng cả trong dân sự lẫn quân sự.

Công nghệ là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nhìn lại quan hệ của Mỹ với các nước trên thế giới sẽ thấy khi họ ủng hộ nước nào về mặt công nghệ thì nước đó phát triển kinh tế rất nhanh, như trường hợp Hàn Quốc trong những năm 1960. Khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đặt điều kiện là được tiếp cận công nghệ của Mỹ. Khi thiết lập các liên doanh với Mỹ thì họ luôn yêu cầu chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc. Hơn 40 năm qua, họ đã có lợi thế đó và nhờ vậy mà đạt được nền tảng kỹ thuật công nghệ cao như bây giờ.

Đây là cơ hội lớn của chúng ta vì tôi nghĩ Mỹ cũng muốn có một Việt Nam mạnh về mặt công nghệ. Chỉ có nền tảng công nghệ mạnh thì mới phát triển bền vững được.

 

- Một trong những dự án được kỳ vọng rất nhiều là của Intel, vì sao vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi?

Intel là câu chuyện để chúng ta đánh giá năng lực hấp thụ công nghệ của mình. Khi hấp thụ được công nghệ rồi thì phải có năng lực phát triển thương mại hoá, tạo ra các sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm phái sinh. Chúng ta chưa có các năng lực đó. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là giáo dục. Sinh viên của chúng ta ra trường không làm được việc ngay, mất nhiều công đào tạo lại và cập nhật kiến thức. Ngay trong lĩnh vực CNTT, nhu cầu lớn từ hàng chục năm nay nhưng vẫn không đào tạo đủ về số lượng và tốt về chất lượng. 

 

- Ông làm việc trong lĩnh vực giáo dục, ông nhận định thế nào về triển vọng hợp tác giáo dục với Mỹ?

3 năm trước KKR, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất của Mỹ đã đầu tư 100 triệu USD vào EQuest, một tổ chức giao dục tư nhân của Việt Nam, mở đầu cho xu thế đầu tư của Mỹ vào giáo dục tại Việt Nam. Nhiều mô hình trường học của Mỹ đã được đưa vào vận hành. Nhiều chương trình đào tạo trung học phổ thông Mỹ đã được mở ra để thu hút học sinh có nhu cầu học đại học tại Mỹ. Các xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển  trong thời gian tới.

Các trường đại học của Mỹ chắc chắn cũng sẽ tính đến việc mở campus ở Việt Nam như họ đã làm ở Trung Quốc và Malaysia để giúp học sinh Việt Nam có thể “du học tại chỗ”. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng. Tất cả những điều này có lợi cho cả hai nước và tôi nghĩ 20 năm nữa chúng ta sẽ được hưởng trái ngọt từ thành quả giáo dục này.

 

(Bài viết mang tính chất cập nhật thông tin trong lĩnh vực giáo dục, không nhằm mục đích kinh doanh hay quảng cáo)

Nguồn: VietnamFinance 

0 bình luận Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ: 'Lợi ích quốc gia là trên hết'

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đối tác liên kết với Việt Mỹ
15

Năm xây dựng và phát triển

15000

Sinh viên

70%

Thời lượng học là thực hành

8

Lương khởi điểm ra trường 8m/tháng

Form đăng ký học
0.10923 sec| 1000.367 kb